Những điều cần biết về vaccine COVID-19 cho trẻ em

  21/10/2021

(Thanhrau.com.vn) - Dịch COVID-19 hiện vẫn đang lây lan mạnh ở nhiều quốc gia, trong khi đối tượng trẻ em lứa tuổi đi học chưa được tiêm chủng nhiều. Đây cũng chính là mối lo của cả thế giới, do đó việc tiêm chủng cho trẻ em là cần thiết.

1. Trẻ em có nguy cơ gì trước đại dịch COVID-19?

Cũng như các virus gây bệnh đường hô hấp khác, khi trẻ nhiễm SARS-CoV-2 cũng đối diện với nguy cơ: Viêm phổi, suy hô hấp, nhiễm trùng xoang, tai và đặc biệt là hội chứng viêm đa cơ quan có thể dẫn đến tử vong.

Tuy nhiên, so với người lớn, khi trẻ mắc COVID-19 thì triệu chứng thường nhẹ và nhanh khỏi hơn. Những trẻ có nguy cơ trở nặng thường là những trẻ có bệnh nền, chẳng hạn:

  • Tiền sử nhiều bệnh lý phức tạp.
  • Bệnh nền thần kinh, rối loạn chuyển hóa.
  • Bệnh tim bẩm sinh.
  • Béo phì.
  • Bệnh đái tháo đường.
  • Bệnh hen suyễn hoặc các bệnh phổi mạn tính khác.
  • Bệnh hồng cầu hình liềm.
  • Suy giảm miễn dịch.

2. Có nên tiêm phòng vaccine COVID-19 cho trẻ không?

Mặc dù khi nhiễm COVID-19, các triệu chứng ở trẻ đa phần là nhẹ, nhưng cũng có những trường hợp phải nhập viện kéo dài, để lại di chứng lâu. Hơn nữa, nếu trẻ không may nhiễm bệnh sẽ rất dễ lây lan trong môi trường lớp học.

Việc tiêm phòng cho trẻ em là rất cần thiết để giảm nguy cơ nhiễm bệnh; giảm nguy cơ trở nặng nếu nhiễm và giảm khả năng lây bệnh cho người khác.

Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến nghị tiêm vaccine COVID-19 cho tất cả trẻ từ 12 tuổi trở lên và thanh thiếu niên nếu không có chống chỉ định.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đưa ra hướng dẫn chi tiết về việc tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. CDC cũng khuyến cáo trẻ từ 12 tuổi trở lên nên được tiêm phòng vaccine COVID-19.

Hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã có lộ trình triển khai việc tiêm chủng cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. Chỉ riêng đối với những trẻ được biết có tiền sử phản ứng nặng với bất cứ thành phần nào trong lọ vaccine thì không nên tiêm chủng.

 
 
Những điều cần biết về vaccine COVID-19 cho trẻ em - Ảnh 3.

Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến nghị nên tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 12 tuổi trở lên.

3. Trẻ dưới 12 tuổi có nên tiêm vaccine COVID-19 không?

Hiện nay, trên thế giới vẫn chưa có đủ dữ liệu về việc tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ dưới 12 tuổi, nên lứa tuổi này không nên tiêm.

Tại Việt Nam, việc triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em cũng sẽ được Bộ Y tế triển khai trong thời gian tới. Đối tượng tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi.

Hiện tại FDA chấp thuận sử dụng vaccine của Pfizer-BioNTech cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. Một số loại vaccine khác vẫn đang được nghiên cứu thêm trên đối tượng trẻ em và được chấp thuận tại một số nước, chẳng hạn: Mordena, Sinovac, Soberana 2, ZyCoV-D (Ấn Độ). Tại Việt Nam, Bộ Y tế sẽ sớm công bố loại vaccine triển khai cho trẻ em.

4. Trước và sau khi tiêm vaccine, trẻ cần được theo dõi sức khỏe thế nào?

Cũng như tất cả các loại vaccine khác, trước tiến hành tiêm ngừa, trẻ đều được bác sĩ khám sàng lọc để đảm bảo đủ sức khỏe trước khi tiêm.

Đối với những trường hợp đang có bệnh nặng hoặc có sốt, hoặc được xác định là đang nhiễm/nghi ngờ nhiễm COVID-19 thì sẽ không được tiêm vaccine.

 
 
Những điều cần biết về vaccine COVID-19 cho trẻ em - Ảnh 4.

Bộ Y tế sẽ sớm đưa ra công bố loại vaccine COVID-19 được tiêm cho trẻ.

Để chuẩn bị tốt tâm lý cho trẻ, trước ngày đi tiêm vaccine, cha mẹ hãy:

  • Nói chuyện với con về lợi ích của tiêm ngừa; 
  • Cho trẻ ăn uống đầy đủ, không để trẻ nhịn đói; 
  • Nên mặc quần áo rộng rãi để dễ dàng bộc lộ nơi tiêm;
  • Tuân thủ 5K để bảo đảm không bị lây nhiễm COVID-19 tại nơi tiêm.

Ngay sau tiêm, trẻ cần được theo dõi ít nhất 30 phút tại điểm tiêm ngừa. Sau đó về nhà, cha mẹ phải tiếp tục theo dõi các tác dụng phụ có thể gặp.

- Tại cánh tay tiêm:

  • Đau.
  • Mẩn đỏ.
  • Sưng tấy.

- Trên các phần còn lại của cơ thể:

  • Mệt mỏi.
  • Đau đầu.
  • Đau cơ.
  • Ớn lạnh.
  • Sốt.
  • Buồn nôn.

Các tác dụng phụ này xảy ra trong vòng 1 hoặc 2 ngày kể từ khi tiêm vaccine. Đó là dấu hiệu bình thường cho thấy cơ thể đang tạo hàng rào bảo vệ và sẽ biến mất trong vòng vài ngày.

Trong thời gian theo dõi tại nhà, đặc biệt trong 7 ngày đầu, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nếu trẻ có các dấu hiệu sau đây cần liên hệ với đội cấp cứu lưu động hoặc đến thẳng các bệnh viện:

  • Trẻ than tê quanh môi hoặc lưỡi.
  • Ở da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da.
  • Trẻ than ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó.
  • Về thần kinh có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì, ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật.
  • Về tim mạch có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất;
  • Đường tiêu hóa có dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy.
  • Đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái.
  • Toàn thân: Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường; đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn; sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt.
  •  
  • Bác sĩ chuyên khoa nhi Trần Văn Công

Bình luận

Tin tức mới Xem tất cả