Cung ứng hàng hóa cho vùng dịch: Gỡ khó cho sàn thương mại điện tử

  06/08/2021
Gặp khó khi giao hàng
Ngay sau khi Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội phòng chống Covid-19, lượng đơn đặt mua hàng trên các sàn giao dịch TMĐT như Tiki, Shopee, Lazada, Postmart... tăng gấp 2 - 3 lần so với bình thường.
Đại diện Bưu điện Hà Nội cho biết, những ngày vừa qua, lượt khách mua qua sàn TMĐT Postmart.vn đạt hơn 1.000 đơn hàng/ngày, tốc độ tăng trưởng 70% so với trước khi giãn cách. Tương tự, tại hệ thống siêu thị như Vinmart, Big C, Co-op mart, BRG… đều ghi nhận đơn mua hàng online của người dân tăng đột biến, từ 50 - 70% so với thời điểm chưa giãn cách xã hội.
Các sàn TMĐT phản ánh, mặc dù đơn mua hàng tăng mạnh nhưng việc đưa hàng tới người mua gặp nhiều khó khăn, khi các ứng dụng vận chuyển như NowFresh (đi chợ) và NowShip (giao hàng hóa thiết yếu) đều phải dừng hoạt động sau khi TP Hà Nội "siết" hoạt động của các nhân viên giao hàng, shipper công nghệ. Grab, Be, Gojek, My Go và FastGo cũng phải dừng cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng xe máy trong thời gian giãn cách.
Bên cạnh đó nhiều điểm giao nhận hàng hóa nằm trong khu vực phong tỏa cũng khiến các sàn TMĐT thiếu điểm giao nhận hàng hóa. Đại diện sàn TMĐT Sendo, Voso phản ánh, các đơn vị cung ứng, vận tải trong quá trình giao vận gặp khó, khi một số kho bãi nằm trong khu vực bị hạn chế đi lại do giãn cách xã hội nên không thể tập kết, phân luồng hàng hóa dẫn đến thiếu hụt nguồn cung tạm thời.
Theo Tổng Giám đốc sàn TMĐT Sendo Trần Hải Linh, nông sản là mặt hàng đặc thù, đòi hỏi thời gian giao tối đa không quá 2 ngày mới có thể giữ được chất lượng tốt nhất của sản phẩm. “Việc hoàn trả đơn hàng tăng cao do thiếu shipper không chỉ gây áp lực lên người bán, đơn vị vận chuyển mà còn gây mất niềm tin ở người dùng”, ông Trần Hải Linh nêu rõ.
Gỡ khó trong khâu vận chuyển
Trước thực trạng trên, Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn. Phó Chủ tịch VECOM Nguyễn Ngọc Dũng cho biết, sàn TMĐT là nơi trung gian hỗ trợ người mua và người bán, mỗi sàn có thể có hàng chục nghìn người bán, người mua. Với sự đa dạng như vậy nên tỷ lệ người mua và người bán nằm trên cùng một quận, huyện là không cao. Hơn nữa, mỗi chuyến người giao hàng có thể có nhiều khách hàng ở những địa điểm khác nhau; nhiều khi 2 địa điểm ở 2 quận liền kề lại gần hơn 2 địa điểm cùng 1 quận.
Từ thực tiễn đó, VECOM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND các địa phương, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, căn cứ tình hình thực tế để hỗ trợ người giao hàng tối ưu hoá hoạt động, qua đó cũng giúp các sàn TMĐT phục vụ tốt hơn nhân dân trong giai đoạn giãn cách xã hội.
Đồng tình với kiến nghị của VECOM, Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Đặng Hoàng Hải cho biết, Bộ Công Thương ủng hộ phương án các địa phương cho phép hệ thống logistics của các sàn TMĐT tiếp tục được hoạt động bình thường trong địa bàn của mình.
Các shipper của sàn TMĐT sẽ được sàn đăng ký trực tiếp với Sở Giao thông Vận tải. Với những sàn TMĐT có đối tác vận chuyển như Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm, J&T Express, AhaMove... thì phải làm việc với hãng giao nhận, đăng ký danh sách với Sở Giao thông Vận tải.
Trước những kiến nghị của các sàn TMĐT, VECOM, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, nhằm gỡ khó cho các sàn TMĐT, hiện Sở Công Thương Hà Nội đang rà soát các điểm đất trống, sân vận động, bến xe (đang dừng hoạt động), các chợ đang hoạt động chưa hết công suất… tại các địa phương ở cửa ngõ ra vào Thủ đô làm nơi trung chuyển hàng hóa cho sàn TMĐT.
Bên cạnh đó, TP Hà Nội đã ban hành các văn bản chỉ đạo, xây dựng phương án huy động và điều động phương tiện phục vụ vận chuyển lưu thông hàng hóa, kịp thời để chỉ đạo các lực lượng chức năng tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong vận chuyển, lưu thông.
Tính đến ngày 3/8, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã cấp mã QR code đăng ký “luồng xanh” cho 1.443 xe ô tô (trong lĩnh vực công thương); cấp mã xác nhận cho 4.351 xe mô tô hai bánh phục vụ giao nhận, vận chuyển cho các doanh nghiệp TMĐT.
Trong thời điểm hiện nay, nhu cầu của cá nhân, đơn vị, tổ chức không chỉ giới hạn ở các mặt hàng thực phẩm, thuốc men mà rất đa dạng mới đáp ứng được hoạt động sinh sống, học tập làm việc tại nhà. Hiện các đơn hàng trên sàn TMĐT đang bị ùn ứ do không thể giao đến khách hàng. Nguyên nhân là do nhiều mặt hàng như sữa, bỉm, gas bị xếp vào danh sách “không thiết yếu” nên không được thực hiện nhưng lại rất cần thiết với người dân
Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ  Thị Hậu
Sàn TMĐT phải đứng ra đăng ký danh sách shipper cho hãng giao nhận là đối tác của mình, đối tác chỉ được vận chuyển hàng cho sàn, không được vận chuyển bất kỳ loại hàng hóa nào khác. Tương tự, siêu thị, nhà cung ứng thực phẩm có nhu cầu thuê đối tác vận chuyển hàng hóa thì phải đứng ra đăng ký shipper với Sở Giao thông Vận tải. Những Shipper phải có hợp đồng lao động và chỉ được vận chuyển hàng hóa cho siêu thị, nhà cung ứng thực phẩm, không được vận chuyển giúp những đơn vị không ký kết hợp đồng vận chuyển.
Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Đặng Hoàng Hải

 Theo: Báo kinh tế đô thị

Bình luận

Tin tức mới Xem tất cả