Nên Cho Con Ăn Cháo Rây Hay Cháo Xay Nhuyễn?

  01/06/2020

(Thanhrau.com.vn) Thông thường sợ con sẽ bị nôn khi ăn những đồ ăn lợn cợn nên rất nhiều bà mẹ có thói quen nấu chín, rây qua rây hoặc xoay nhuyễn đồ ăn. Vậy có bao giờ mẹ tò mò cách làm đó liệu đúng hay sai, có lợi hay không có lợi đối với bé chưa?

Cho con tập ăn dặm mẹ đừng khó quá làm liều

Thông thường, các bé sẽ được bú mẹ hoàn toàn từ lúc sơ sinh cho đến khi 6 tháng tuổi. Qua đến tháng thứ 6, cơ thể bé sẽ có đòi hỏi cao về nhu cầu năng lượng, nhu cầu sắt, nhu cầu vitamin A. Lúc này, sữa mẹ không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của trẻ, do đó các bé sẽ được cho ăn bổ sung. Giai đoạn đầu tập cho con ăn dặm, con sẽ bất hợp tác, phun, ngậm chặt miệng hoặc khóc còn mẹ thì nhức đầu với thực đơn ăn dặm của con trong ngày.

Một số mẹ khó quá làm liều. Để con dễ ăn và không mất nhiều thời gian đút thức ăn một số mẹ thường nghiền nhuyễn thức ăn dặm của trẻ. Thậm chí, sau khi xay bằng máy xay sinh tố, có mẹ còn lọc lại bằng rây cho mịn rồi đổ vào bình sữa cho con bú. Những cách này công nhận là nhanh gọn nhẹ, con có thể tăng cân nhanh, ăn gọn gàng… nhưng tác hại cũng vô cùng lớn.

Có 5 tác hại của việc xay nhuyễn cháo cho con ăn dặm mà mẹ cần phải biết để lưu ý khi con bước vào giai đoạn này:

- Bé mất phản xạ nhai:

Xay nhuyễn khiến bé chỉ có phản xạ nuốt, bỏ qua giai đoạn nhai, các bé sẽ chẳng biết phản xạ nhai thức ăn nữa.

- Bé lười ăn:

Khi bé bỏ qua phản xạ nhai, dịch vị không được kích thích, không có cảm giác thèm ăn, lâu dần bé sẽ lười ăn.

- Bé bị loét dạ dày:

Khi ăn cháo xay thương xuyên, bé sẽ có phản xạ nôn trớ khi được ăn cháo hột hoặc có lợn cợn. Nôn trớ nhiều sẽ khiến bé loét thực quản, loét dạ dày. Chưa kể nếu bé bị trào ngược nhưng chỉ trào lưng chừng rồi rơi vào phổi gây ho kéo dài như bị bệnh hen suyễn.

- Bé mất cơ hội thưởng thức món ngon:

Xay nhuyễn thức ăn khiến bé không có cơ hội làm quen với các thực phẩm mới. Thức ăn của bé từ ngày này qua ngày khác sẽ chỉ có một kiểu mịn sệt với mùi vị gần giống nhau. Như vậy, mẹ đã vô tình làm mất đi tính đa dạng và giàu dinh dưỡng trong khẩu phần ăn, khiến trẻ mau chán và trở nên biếng ăn.

- Bé bị ảnh hưởng cơ hàm:

Nếu cháo xay được cho vào bình để bé ăn như tói quen bú bình, bé vô tình đã bị tước đoạt cơ hội làm quen với việc nhai, nuốt cũng như hạn chế sự phát triển và hoàn thiện của cơ hàm, gây ảnh hưởng đến kỹ năng nói khi bé lớn.

Ăn dặm như thế nào cho khoa học?

Khi trẻ 6 tháng tuổi thì mẹ nên tập cho con ăn dặm bắt đầu bằng bột loãng rồi sệt dần. Khi bé 7 - 8 tháng tuổi, mẹ cho bé ăn cháo nhuyễn hoặc bột đặc. Được 12 tháng thì bé nên được tập ăn cháo hột và các thức ăn mềm như phở, bún... Khi con 2 tuổi và mọc đủ răng hàm thì mẹ nên cho con ăn cơm.

Mẹ đừng nản lòng mỗi khi bé bất hợp tác khi mẹ thay đổi món hay bé được chuyển sang chế độ ăn mới. Những bữa đầu mới tập ăn, không thể tránh khỏi cảnh bé nôn ói nhưng sau đó con sẽ quen dần. Đừng vì sợ con nôn ói mà không dám cho trẻ ăn thức ăn lợn cợn, mẹ nhé!

(nguon: webtretho)

Bình luận

Tin tức mới Xem tất cả