Bổ sung chất xơ sai cách có thể khiến bệnh táo bón ở trẻ nặng thêm
(Thanhrau.com.vn) - Táo bón là một bệnh lý thường gặp, nhất là trẻ em và người cao tuổi. Khi trẻ bị táo bón, các bà mẹ thường tìm cách để bổ sung chất xơ cho trẻ nhưng có trường hợp lại khiến trẻ táo bón nặng hơn…
1. Nguyên nhân gây táo bón ở trẻ
Táo bón ở trẻ em được định nghĩa là tình trạng đi tiêu không thường xuyên, khoảng cách giữa các lần đi tiêu trên 3 ngày hoặc đi ít hơn 3 lần/tuần hoặc phân lớn, cứng và đau khi đi tiêu. Trong một số trường hợp, trẻ đi tiêu không hết hoàn toàn mặc dù đi tiêu hàng ngày gây ứ đọng phân trong đại tràng.
Ở trẻ nhỏ, táo bón phần lớn là do chức năng, nghĩa là bản thân trẻ không có tổn thương hay bất thường gì ở đường ruột, chiếm đến 90-95% các trường hợp. Nguyên nhân chính gây táo bón ở trẻ là do chế độ ăn uống sinh hoạt không hợp lý như: lười vận động, không uống đủ nước, sau dùng thuốc kháng sinh, đặc biệt là chế độ ăn thiếu chất xơ.
Thêm vào đó, những thay đổi nhỏ trong thói quen hàng ngày có thể gây táo bón. Ví dụ khi thay đổi môi trường sống, thói quen sinh hoạt như khi đi du lịch, thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt cả ngày tại trường học có thể khiến trẻ khó thích nghi dẫn đến khó đi tiêu hơn.
Trẻ táo bón lâu ngày sẽ gây hại tới sức khỏe. Ảnh minh họa
Hầu hết những điều này sẽ dễ dàng thay đổi và không gây ra các vấn đề sức khỏe lâu dài. Tuy nhiên, nếu trẻ bị táo bón liên tục trong nhiều tháng mà không cải thiện được sẽ gây nhiều vấn đề cho sức khỏe như nứt/chảy máu hậu môn, phân ứ đọng lâu ngày khiến trực tràng bị giãn ra.
Táo bón mạn tính khiến trẻ cảm thấy khó chịu, thay đổi hành vi, hay cáu gắt. Trẻ thường xuyên bị đau vùng bụng, cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn.
Hiện tượng khó tiêu sẽ kéo theo trẻ biếng ăn, ăn không ngon miệng, không tiêu hóa và hấp thụ được dinh dưỡng dẫn đến chậm phát triển về thể chất và trí tuệ. Ở một số trẻ táo bón nặng có thể gây tắc ruột do khối phân lớn mắc kẹt trong trực tràng.
Táo bón nhẹ có thể được điều trị bằng cách thay đổi chế độ ăn uống. Trẻ em bị táo bón hoặc nặng hơn thường phải dùng các chất làm mềm phân hoặc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
2. Thay đổi chế độ dinh dưỡng - "chìa khóa" trị táo bón cho trẻ
Thay đổi chế độ dinh dưỡng là yếu tố quyết định kết quả điều trị táo bón ở trẻ. Theo các chuyên gia về tiêu hóa, chất xơ là nguồn thực phẩm giúp lợi khuẩn trong đường ruột phát triển, nó làm cho phân xốp, giúp cho nhu động ruột tăng co bóp. Chất xơ có tác dụng giữ nước trong phân, giúp giải quyết tình trạng táo bón.
Chất xơ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của ruột. Vì vậy, bổ sung chất xơ đúng cách là biện pháp đầu tiên, hiệu quả trong dự phòng và điều trị bệnh táo bón.
Một số bậc cha mẹ cho rằng trẻ táo bón cần ăn rau để tăng cường chất xơ do đó ép trẻ ăn rất nhiều rau. Có trường hợp trẻ ăn quá nhiều rau nhưng vẫn bị táo, thậm chí trẻ không ăn được các thức ăn khác dẫn đến suy dinh dưỡng, thiếu chất...
Đột ngột cho trẻ tiêu thụ một lượng lớn chất xơ có thể gây đầy hơi và khó tiêu hơn.
Tuy nhiên, việc cho trẻ ăn nhiều rau một cách dồn dập với suy nghĩ tăng cường chất xơ không phải là cách tốt nhất để cải thiện tình trạng táo bón. Để đảm bảo lượng chất xơ hoạt động hiệu quả trong đường ruột, cách tốt nhất là tăng dần lượng chất xơ tiêu thụ, không nên cho trẻ ăn dồn dập.
ThS. BS Lê Trịnh Thủy Tiên, Chuyên khoa Dinh dưỡng, Hội Dinh dưỡng Lâm sàng Việt Nam cho biết, có 2 loại chất xơ là loại hoà tan trong nước và loại không tan trong nước. Khi ăn các món có chất xơ thì cần uống nhiều nước hay chất lỏng như canh để giúp đẩy chất xơ qua ruột dễ dàng. Do đó, khi cha mẹ tăng lượng chất xơ cho trẻ cần chú ý đi kèm với tăng lượng nước. Nếu không, phân sẽ có khối lượng lớn hơn nhưng vẫn khô. Điều này có thể làm cho tình trạng táo bón khó cải thiện hơn.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khi trẻ bị táo bón thì cha mẹ nên tìm nguyên nhân: có thể do ăn thiếu rau xanh quả chín; uống không đủ nước, do bé phải dùng kháng sinh hoặc do bé sợ đi ngoài bẩn, gây đau hậu môn nên nhịn đi cầu dẫn đến táo bón. Khi trẻ bị táo bón, cha mẹ tăng cường cho ăn nhiều rau lá có nhiều chất xơ là đúng, nhưng nhớ cho con uống đủ nước.
Cha mẹ cần đảm bảo cho con uống đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày. Trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi không cần bổ sung thêm nước, do trẻ đã được bổ sung nước thông qua sữa mẹ hoặc sữa công thức. Trẻ lớn hơn cần cho trẻ uống thêm nước lọc, nước quả, nước luộc rau củ hoặc canh để đảm bảo đủ nước.
Cha mẹ nên cho trẻ ăn các chất xơ hòa tan có nhiều trong các loại trái cây mọng nước như thanh long, dưa hấu, bưởi, táo… giúp trẻ tiêu hóa dễ dàng. Nên cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, đủ dinh dưỡng. Kết hợp các nhóm thực phẩm có tác dụng nhuận tràng trong thực đơn dinh dưỡng của trẻ. Hạn chế những thực phẩm không tốt như các chất kích thích, đồ cay nóng.
3. Trẻ nên được khám chuyên khoa dinh dưỡng khi táo bón kéo dài
Ngoài ra, cha mẹ nên đưa con đi khám dinh dưỡng xem con mình có bị thiếu vitamin D không. Đôi khi tình trạng thiếu vitamin D làm cho canxi trong khẩu phần ăn (nhất là ở các cháu uống nhiều sữa công thức có bổ sung canxi) không được hấp thu tạo ra táo bón. Chúng ta phải xem thiếu vitamin D không rất quan trọng. Nếu trẻ thiếu vitamin D sẽ được bác sĩ dinh dưỡng cho bổ sung bằng thuốc. Thêm nữa là cần cho trẻ vận động hàng ngày để thúc đẩy nhu động ruột, giải quyết tình trạng táo bón.
Vấn đề cuối cùng mà các ông bố bà mẹ hay quên đó là tập cho bé đi đại tiện vào một giờ trong ngày. Vì nếu bé không có thói quen đúng giờ thì có lúc trẻ sẽ quên và vấn đề táo bón càng khó giải quyết hơn.
Để giải quyết dứt điểm tình trạng táo bón ở trẻ sẽ có rất nhiều việc cần làm chứ không phải chỉ mỗi bổ sung chất xơ. Nếu đã thực hiện theo các phương pháp trên mà tình trạng táo bón không hết, bạn nên đưa con đi khám tại các cơ sở y tế tin cậy có chuyên khoa Nhi hoặc chuyên khoa Dinh dưỡng. Các bác sĩ sẽ thăm khám cụ thể và có các phương pháp kết hợp điều trị.
(Theo: suckhoedoisong.vn)