Giá trị dinh dưỡng và phương pháp ăn đậu tương ở trẻ

  31/03/2017

Giá trị dinh dưỡng và phương pháp ăn đậu tương ở trẻ

(Thanhrau.com.vn) Vì có nhiều đạm (protein) nên đậu tương đã được coi như “thịt không xương” ở nhiều quốc gia Á Châu. Chất đạm của đậu tương không những có giá trị dinh dưỡng như protein động vật, mà lại dễ tiêu hơn, ít chất béo bão hòa có hại và cholesterol. Đậu tương có nhiều đạm chất hơn thịt, nhiều canxi hơn sữa bò, nhiều lecithin hơn trứng vì vậy rất tốt cho sự phát triển của trẻ.
 

Giá trị dinh dưỡng của đậu tương

Đậu tương hay đỗ tương, đậu nành - vua trong các loại đậu có tỷ lệ chất đạm rất cao, có nhiều sinh tố, khoáng chất, chất xơ và isoflavones hữu ích. Một hạt đậu chứa 8% nước, 5% chất vô cơ, 15- 25% glucose, 15-20% chất béo, 35- 45% chất đạm với đủ các loại amino acid cần thiết và nhiều sinh tố, khoáng chất.

So với thịt động vật, đậu nành có nhiều chất dinh dưỡng hơn: 100 gr đậu nành có 411 calo, 34 gr đạm, 18 gr béo, 165mg canxi, 11mg sắt; trong khi đó thịt bò loại ngon chỉ có 165 calo, 21gr đạm; 9gr béo; 10mg canxi và 2.7 mg sắt.

Vì có nhiều đạm (protein) nên đậu tương đã được coi như “thịt không xương” ở nhiều quốc gia Á Châu. Chất đạm của đậu tương không những có giá trị dinh dưỡng như protein động vật, mà lại dễ tiêu hơn, ít chất béo bão hòa có hại và cholesterol. Đậu tương có nhiều đạm chất hơn thịt, nhiều canxi hơn sữa bò, nhiều lecithin hơn trứng.

 

Các amino axit cần thiết mà cơ thể không tạo ra được thì đều có trong đậu tương. Khi ăn đậu tương chung với một số ngũ cốc như ngô thì nó sẽ bổ sung một số amino axit mà ngô không có.

Với trẻ em, chất đạm của đậu tương là món ăn quý giá cho các em bị dị ứng với sữa bò hoặc không tiêu thụ được đường lactosẹ. Đậu tương sẽ giúp trẻ tăng trưởng tốt như khi dùng sữa bò.

Trong đậu tương có một hóa chất tương tự như kích thích tố nữ estrogen mà nhiều công trình khoa học chứng minh là rất tốt trong việc trị và ngừa một số bệnh. Đó là chất isoflavones. Vai trò của isoflavones đậu nành được nhắc nhở tới và nhiều nghiên cứu đã được tập trung vào nhất là trong lãnh vực ung thư, bệnh tim, bệnh loãng xương, rối loạn kinh nguyệt.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc bổ sung sữa đậu nành sẽ cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe chung của trẻ em. Ở nhiều nước, sữa đậu nành (dạng bột) được sử dụng cho trẻ em không uống được sữa bò.

Các dữ liệu và nghiên cứu không cho thấy tác hại gây bệnh nào từ việc tiêu thụ đậu nành ở bé trai, vì vậy đậu nành an toàn và là thực phẩm tốt cho sức khỏe của cả bé trai và bé gái như nhau.

Ở các nước có công nghệ thực phẩm phát triển, người ta có thể bổ sung thêm chất béo, đường và các chất khoáng như canxi, sắt, kẽm, vitamin A, D... vào bột sữa đậu nành, khi đó, sữa đậu nành trở thành một sản phẩm có thể thay thế được sữa bò.

Phương pháp cho trẻ ăn đậu tương

Đậu tương cũng như một số loại đậu đỗ và hạt có dầu là thức ăn cần cho trẻ ở thời kỳ ăn bổ sung khi phối hợp với ngũ cốc sẽ trở thành những món giàu đạm lại rẻ tiền. Các chế phẩm từ đậu tương như đậu phụ, sữa và bột đậu nành, tương …

Trẻ sơ sinh không nên uống đậu nành bởi hạt đậu chứa phân tử gây sưng tuyến giáp trạng, có thể bài tiết tuyến giáp trạng. Trong sữa đậu nành cũng chứa nhiều nhôm, trẻ sơ sinh nếu uống quá nhiều có thể làm lượng nhôm trong cơ thể tăng cao, ảnh hưởng đến trí não.

Bạn cũng không nên cho trẻ viêm dạ dày uống sữa đậu nành, thay vào đó là sữa bò, đặc biệt là trẻ dưới 4 tháng tuổi càng không nên uống sữa đậu nành.

Một nghiên cứu gần đây ở Mỹ cho thấy, hàm lượng mangan trong đậu tương cao gấp 50 lần so với sữa mẹ. Vì vậy, việc cho trẻ dùng sữa đậu nành (chế biến từ đậu tương) ngay trong 6 tháng đầu sẽ gây ngộ độc tức thì và giảm khả năng tập trung về sau.

Khi trẻ có thể ăn được đồ ăn cứng, bạn có thể cho trẻ thử ăn đậu tương, đó là cách tuyệt vời để bạn có thể giới thiệu thêm nhiều món và mùi vị mới mà vẫn tốt cho sức khỏe của trẻ.

Đậu tương có rất nhiều cách chế biến để bạn tập cho trẻ nhiều cách ăn khác nhau. Với sữa đậu nành, bạn có thể chế biến thành những món ăn đa dạng như: Sữa đậu nành nấu cơm, cháo sữa đậu nành, bánh sữa đậu nành, súp sữa đậu nành trứng…

Tuy nhiên khi trẻ còn nhỏ, bạn hãy cố gắng theo sát trẻ để kịp thời ứng phó các rủi ro có thể xảy ra như ngạt thở hay dị ứng. Nếu trẻ mẫn cảm và dễ dị ứng, tốt hơn hết hãy để qua năm đầu tiên rồi mới cho trẻ dùng.

Sữa đậu nành có lượng protein không thua kém sữa bò, nhưng lượng đường và chất béo, cũng như một số chất khoáng thì ít hơn. Như vậy, nếu dùng sữa đậu nành làm thức ăn duy nhất cho trẻ nhỏ thì không tốt. Để khắc phục nhược điểm này, người ta có thể cho thêm một chút dầu ăn vào trong quá trình nấu đậu và hòa thêm ít đường khi uống.

Lưu ý:

Khi cho trẻ sử dụng các chế phẩm từ đậu tương

Không nên kết hợp với trứng gà: Vì đạm trong trứng gà khi kết hợp với chất trypsin trong đậu tương sẽ sinh ra một chất mà cơ thể không có khả năng hấp thụ, vì vậy các chất dinh dưỡng trong đậu tương sẽ không còn giá trị.

Không dùng với đường đỏ: Vì chất hữu cơ trong đường đỏ có thể kết hợp với protein trong đậu tương làm phản ứng kết tủa xảy ra, dễ gây ngộ độc. Khi pha sữa đậu nành bằng đường trắng không thấy có hiện tượng này.

Không dùng quá nhiều: Mỗi lần uống sữa đậu nành quá nhiều dễ gây ra những bất lợi cho đường tiêu hóa vì lượng protein cao, gây ra đi ngoài, chướng bụng…

Không uống khi đói: Phần lớn đạm trong sữa đậu nành chuyển hóa thành nhiệt lượng khi vào cơ thể và nhanh chóng tiêu hao nên nếu dùng khi đói sẽ mất tác dụng. Khi uống sữa đậu nành nên ăn nhẹ một chút bánh bao, bánh mỳ hay những thực phẩm có tinh bột, nhờ đó cơ thể hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.

Không uống cùng các loại thuốc: Một số loại thuốc có thể triệt tiêu chất dinh dưỡng có trong đậu tương, nhất là các loại kháng sinh.

Khi đun nấu, bảo quản

Trong đậu tương có chất ức chế men phân giải protein, khi chế biến thành sữa đậu nành nếu không đun kỹ, trẻ uống sẽ thấy buồn nôn, nôn hoặc đi ngoài tháo dạ.

Không bảo quản trong phích, bình bảo ôn: Vì một chất trong đậu tương có khả năng khử và hòa tan cặn bám dưới đáy phích, bình giữ nhiệt, thêm vào đó dưới điều kiện nhiệt độ thích hợp, các vi khuẩn trong bình bảo ôn và phích sẽ phát triển nhanh nhờ dưỡng chất trong đậu nành, khiến sữa biến chất trong vòng 3-4 tiếng.

                                                                                                                                                         Theo: Mangthai.vn

Bình luận

Tin tức mới Xem tất cả